Có biết gia cảnh chị Phạm Thị Buội ở thị trấn Tân An (Hiệp Đức), mới thấy được những hệ lụy của TNLĐ như thế nào. Chồng chị làm thợ xây dựng, không may té ngã, chấn thương sọ não và đa chấn thương. Gia đình đưa đi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng rồi Bệnh viện Trung ương Huế, gần 2 tháng trời nhưng cuối cùng cũng không qua khỏi. Chồng mất để lại một đống nợ nần cho vợ con, không biết bao giờ mới trả xong. Còn anh Lê Đình T. ở Thăng Phước (Hiệp Đức) trong một lần trèo cây hái mít, sẩy chân, té ngã bất tỉnh, gia đình đưa đi bệnh viện điều trị. Dù được bác sĩ tận tình chạy chữa nhưng anh vẫn bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Thành người tàn phế, anh mất việc làm, kinh tế gia đình vì thế lâm cảnh khó khăn. Mới đây, trong lúc dùng máy cắt cỏ dọn vườn keo, anh Nguyễn Văn H. ở thôn Già Ban xã Quế Bình (Hiệp Đức) bị viên sỏi nhỏ bắn vào mắt, chuyện tưởng đơn giản, nào ngờ bị hỏng giác mạc, điều trị hết gần 50 triệu đồng, song mắt trái vẫn bị thương tật, phải đeo kính thường xuyên. Hay như ông Nguyễn T. ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức), đứng trên ghế để sửa máng xối, do tuổi cao nên run chân té ngã xuống đất và dẫn đến tử vong. Còn ông Mai H. ở xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cưa keo thuê bị cây ngã đổ trúng đầu, tụ máu não. Là lao động chính, từ ngày bị tai nạn, ông chỉ luẩn quẩn làm những việc vặt trong nhà...
|
Luộc hến - công việc cực nhọc và dễ bị TNLĐ, nếu lơ là bất cẩn. Ảnh: A.D |
Nhiều người thường nghĩ, chỉ ở nhà máy, công trình xây dựng có nhiều máy móc mới dễ xảy ra TNLĐ. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp TNLĐ tưởng chừng đơn giản như lúa văng vào mắt, trâu bò húc kéo, làm vườn bị rắn cắn, ong đốt… cũng khá phổ biến. Lao động trên cao như xây nhà, sơn tường tầng cao, bắt điện, treo bảng quảng cáo, sơ sẩy trong việc đồng áng cũng xảy ra TNLĐ. Những người lao động ở nông thôn, hầu hết chưa hiểu biết về an toàn lao động nên xem thường TNLĐ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ là vì chủ quan, suy nghĩ đơn giản. Như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không ít người thờ ơ với quy định phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ các yêu cầu về liều lượng, quy trình pha chế, mà làm theo thói quen, sau đó lại vứt bừa bãi chai lọ ra môi trường. Khi sử dụng các công cụ sản xuất như máy cắt lúa, máy xay xát hay các loại máy nông nghiệp… họ cũng không đọc kỹ hướng dẫn, không qua những đào tạo căn bản, vì vậy khi vận hành thiết bị, dẫn đến TNLĐ. Điển hình như trường hợp chị H. ở Điện Bàn bị máy ép nước mía cuốn đứt hai ngón tay, ông C. ở Thăng Bình bị máy xay xát gạo quấn nát 5 đầu ngón tay, ông Huỳnh Kim C. ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) leo trèo sửa nhà, rớt xuống gãy xương cột sống…
Để hạn chế tới mức thấp nhất TNLĐ ở nông thôn, tránh được những rủi ro khi lao động sản xuất, các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể… nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho bà con nông dân; đồng thời vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm phù hợp để được bảo đảm hỗ trợ trong các trường hợp xảy ra TNLĐ. Có như thế mới bớt đi những tai nạn thương tâm, những hoàn cảnh khó khăn vì mất đi những trụ cột trong gia đình…